Từ đầu năm đến nay, Thái Bình ghi nhận 22 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 12 ca nội sinh, chưa ghi nhận ca tử vong. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận định, so với mọi năm, năm nay sốt xuất huyết xuất hiện sớm hơn.
Ngay khi phát hiện ca bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế phối hợp với các địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống. Việc điều tra, giám sát, xử lý tại cơ sở có vai trò quan trọng kiểm soát, ngăn chặn nguồn lây nhiễm. Tuy nhiên, có lúc có nơi, việc vệ sinh môi trường chưa triệt để, một bộ phận người dân còn có tâm lý chủ quan, lơ là. Các chuyên gia khuyến cáo, đặc tính của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường sinh sản ở các dụng cụ chứa nước sạch xung quanh nhà như: chum, lọ hoa, lốp xe, bể nước mưa...
Thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay là điều kiện lý tưởng để muỗi truyền bệnh sinh sản, phát triển. Vì thế, việc tuyên truyền phòng bệnh, giám sát, điều tra chỉ số muỗi, bọ gậy và vệ sinh môi trường cần được thực hiện thường xuyên ngay tại cơ sở để cắt đứt nguồn lây, ngăn chặn dịch lây lan, bùng phát. Người dân cần chủ động thu gom, xử lý môi trường, đảm bảo không có bọ gậy và muỗi thì sẽ không có sốt xuất huyết.
Hà My