Các bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp nhiễm cúm A, chỉ sau ít ngày đã phải đặt ống thở máy vì tình trạng suy hô hấp diễn biến nặng. Có trường hợp phổi trắng xóa trên phim chụp X-quang, tổn thương phổi tới 60%, lan tỏa hai bên.
Gần đây số ca nhiễm cúm A gia tăng nhanh chóng. Hiện các bệnh viện đang điều trị cho nhiều bệnh nhân cúm A nặng, trong số đó khoảng 50% kèm theo bệnh lý nền. Theo các bác sĩ, 2 đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc cúm A là trẻ em và người cao tuổi có bệnh nền, nhất là các bệnh tim mạch như cao huyết áp, bệnh mạch vành… và phổi, như viêm phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính…
Cúm A có các triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với cúm thông thường, gồm ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể… Cách tốt nhất để phòng dịch là thực hiện tiêm vaccine cúm hàng năm.
Hà My