Trung bình mỗi tháng Bệnh viện Tâm thần tỉnh tiếp nhận trên 2.000 bệnh nhân đến khám. Trong đó khoảng 15 - 20% bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm, trong số này có 20% là người cao tuổi. Đáng lưu ý là tỷ lệ này có xu hướng tăng trong những năm gần đây.
Tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm ở người cao tuổi rất cao, có đến 25% phụ nữ trong độ tuổi từ 45 - 65 tuổi mắc bệnh, tỷ lệ này ở đàn ông là 15%. Những biểu hiện trầm cảm ở độ tuổi này tương đối phức tạp, dễ nhận thấy nhất là mệt mỏi, chán ăn, khó ngủ. Bên cạnh đó, họ còn khó thích nghi với những thay đổi như việc chuyển chỗ ở hoặc những thay đổi trong nội bộ gia đình. Bệnh cũng biểu hiện qua sự rối loạn chức năng não đi kèm với quá trình lão hóa.
Đáng lưu ý, những bệnh nhân điều trị tích cực, uống thuốc đầy đủ, hợp tác tốt có thể khỏi bệnh chỉ trong khoảng 1 - 2 năm. Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân cao tuổi bị trầm cảm hiện đều phải điều trị lâu dài, có người lên tới trên 10 năm. Nguyên nhân là do phát hiện bệnh muộn, điều trị khi đã vào giai đoạn nặng. Không tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, bỏ uống thuốc giữa chừng. Không áp dụng các liệu pháp khác như tập vận động, điều trị tâm lý đều đặn.