Một trong những tồn tại vẫn thường gặp trong chiến dịch phòng trừ sâu đục thân hai chấm từ ngày 3 - 7/9 tại Thái Bình chính là nông dân vẫn có thói quen cùng lúc pha trộn nhiều loại thuốc trong một bình phun. Điều này theo các nhà chuyên môn sẽ làm giảm hiệu lực phòng trừ sâu bệnh.
Nông dân sử dụng nhiều loại thuốc trong một bình phun để phòng trừ các đối tượng sâu bệnh cùng một lúc
Trong những ngày cao điểm của chiến dịch phòng trừ sâu bệnh, không khó để bắt gặp những nông dân đi phun thuốc với đủ các loại gói, chai lọ thuốc trừ sâu. Với một bình phun mà có tới 3 - 4 loại thuốc khác nhau từ trừ sâu đục thân, rầy đến khô vằn và cả phun kích thích qua lá. Ông Trần Quang Huy – Nông dân xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đang loay hoay pha các loại thuốc đổ vào bình để phun cùng một lúc thản nhiên nói : “ Tôi pha các loại thuốc gồm sâu đục thân, vừa rầy, vừa khô vằn, thuốc kích lá để cây ra bông trổ đều, hạt đẹp. Tất cả có 4 loại thuốc ấy phun cùng một lúc. Tôi đọc các loại thuốc đấy trên bao bì là phòng trừ được 2 - 3 loại bệnh nên tôi phun kép vẫn hiệu quả.”
Hiệu quả phòng trừ sẽ không cao nếu phun gộp nhiều loại thuốc cho các đối tượng sâu bệnh
Mặc dù ngành chuyên môn đã khuyến cáo không nên sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc trong một bình phun nhưng hiện nay trên những cánh đồng hay ở các cửa hàng đại lý cung ứng thuốc, tình trạng nông dân mua cùng lúc nhiều loại thuốc vẫn còn tồn tại. Ông Nguyễn Văn Tố - Nông dân xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình lý giải: “ Nhà tôi cấy 1 mẫu ruộng. Trong chiến dịch phun phòng này, nhiều loại sâu bệnh cùng phun phòng trừ. Do vậy, tôi phun gộp tất trong một bình cho tiện.”
Theo ý kiến của ngành chuyên môn, nếu cùng lúc pha chế nhiều loại thuốc sẽ giảm hiệu lực phòng trừ, vừa tốn công, tốn của. Như vậy, cuối cùng thiệt hại kép vẫn là nông dân.
Mai Liên