Các quốc gia ven biển ở vùng nhiệt đới có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng ngập lụt cao hơn các nước khác khi mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Đây là kết quả nghiên cứu được công bố trên một tạp chí chuyên ngành ngày 29/6.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications, các khu vực ven biển ở vùng trũng dễ bị tổn thương khi mực nước biển dâng 1m - mức mà các nhà khoa học cảnh báo có thể trở thành hiện thực vào năm 2100. Mực nước biển dâng cao hơn có thể làm trầm trọng thêm thiệt hại do lũ lụt và triều cường gây ra.
Theo nghiên cứu, 62% các khu vực trũng này nằm ở vùng nhiệt đới, chiếm khoảng 33% diện tích châu Á. Tới năm 2100, khi mực nước biển dâng lên 1 mét và giả sử tăng trưởng dân số bằng 0, các tác giả cho rằng khoảng 410 triệu cư dân trên tổng diện tích khoảng 1,46 triệu km2 sẽ dễ bị tổn thương.
Đối với một số khu vực châu Á, mực nước biển dâng đang trở nên trầm trọng hơn do tình trạng đất nền sụt lún, khi các thành phố lớn, trong đó có thủ đô Jakarta của Indonesia và Bangkok của Thái Lan, khai thác nước ngầm quá mức. Diện tích rừng bị thu hẹp cũng có thể khiến đất khó hấp thụ lượng mưa hơn.
Nguồn TTXVN